Hẹn gặp thầy Lên trước cổng bệnh viện đa khoa Cầu Kè vào một trưa oi ả, đón tiếp chúng tôi với vẻ ưu tư và lo lắng, thầy Lên thuật lại câu chuyện về gia đình người thầy Trần Cao Phát của mình với giọng trầm buồn. Dạy học ở Cầu Kè đã hơn hai mươi năm, được biết bao thế hệ học trò quý mến kính trọng, là tấm gương sáng cho sự tận tâm trong nghiệp giảng, thầy Trần Cao Phát và cô Đinh Thị Yến có lẽ không bao giờ nghĩ rằng, số phận lại gieo rắc cho mình một cú sốc nghiệt ngã đến vậy. Đầu tháng 3 năm 2011, bệnh viện Huyết học truyền máu TPHCM chính thức thông báo tin sét đánh với gia đình, người con trai duy nhất của thầy cô đã bị ung thư máu (bạch cầu cấp)!
Có lẽ thật khó tin với một gia đình như thầy cô lại gặp khó khăn, thu nhập bình quân của hai người cộng lại khoảng 5 triệu/tháng, mức thu nhập đủ ăn đủ sống ở một huyện nghèo như Cầu Kè. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, khi bé Minh lâm bệnh, gia đình thầy cô đã thực sự rơi vào cảnh khốn cùng. Đồng lương 5tr ấy chẳng thấm vào đâu so với mức chi phí vài chục triệu mỗi lần vào thuốc. Cô Yến đã xin tạm ngưng giảng dạy để lên SG chăm sóc cho bé Minh, còn thầy Phát vẫn đang loay hoay vay mượn khắp nơi để cứu sống đứa con duy nhất của mình bằng mọi giá.
Theo sự dẫn đường của thầy Lên, chúng tôi đến nhà thầy Phát, một gian nhà lá nhỏ bé với những vật dụng đơn giản bên trong, cảnh tượng khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi cho một người thầy tận tụy suốt hai mươi năm trong nghề. Nhìn thầy vẫn tỉnh táo và vui vẻ khi tiếp chuyện, nhưng chúng tôi biết thầy đang âu lo lắm. Thầy cho biết ngày mai sẽ lên SG chuẩn bị đón bé Minh về nhà sau đợt trị liệu thứ 3, tuy nhiên không loại trừ khả năng em phải nằm lại bệnh viện nếu cơ thể không đủ lượng bạch cầu cần thiết.
Dò hỏi về số tiền viện phí, thầy Phát bảo trong 3 đợt trị liệu vừa qua, dù Minh có thẻ BHYT, gia đình cũng phải đóng hơn 100 triệu rồi, trong đó số nợ bên ngoài lên đến 70tr chưa kể khoảng vay mượn được từ phía nội ngoại. Sắp tới thầy cũng chưa biết vay mượn ở đâu để lo chi phí cho đợt trị liệu thứ 4, đợt trị liệu được xem là quan trọng nhất trong phác đồ điều trị. Nếu vượt qua, khả năng sống của bé Minh là khá cao, còn ngược lại...
Thầy Phát cho biết, bằng mọi giá cũng phải vay mượn cho đủ số tiền để cứu bé Minh, thầy cũng đang tính đến chuyện bán đi mảnh vườn còn lại phía sau nhà. Biết làm sao được, ở cái tuổi ngoài 40 như thầy, bé Minh chắc chắn là niềm hy vọng duy nhất còn lại trên cõi đời này. Đứa bé hồn nhiên với nụ cười rạng rỡ ấy giờ đây còn chưa biết mình mắc phải căn bệnh ung thư, thầy cô đang làm mọi cách để giữ cho tinh thần của bé luôn lạc quan trước thực tế những người bạn cùng phòng bé đã lần lượt ra đi.
Với trường hợp này, nhóm XM thật sự không biết phải đề xuất sao cho hợp lý. Căn bệnh quái ác với chi phí quá cao thật sự là một bài toán nan giải cho bất cứ ai lâm vào hoàn cảnh như vậy. Cả nhà ơi, mong mọi người hãy cùng nhau chia sẻ với hoàn cảnh đáng thương này nhé, tin rằng không một ai trong chúng ta mong muốn cậu học sinh ngoan hiền ấy sẽ ra đi đâu, đúng không ạ? Mong sự chung tay góp sức của cả nhà.
Thân ái.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét