Di tích Ao Bà Om và những truyền thuyết ~ Trà Vinh Ngày Mới, travinh, trà vinh, tin tuc tra vinh, tintuctravinh, tin tuc,tintuc

histats

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Di tích Ao Bà Om và những truyền thuyết



Di tích Ao Bà Om và những truyền thuyết

Ao Bà Om nằm cách trung tâm thành  phố  Trà  Vinh  chừng 6 km về phía Tây Nam  thuộc địa bàn khóm 4, phường 8, Tp. Trà Vinh,  tỉnh Trà Vinh  (trước  đây  là  ấp  Tà  Cụ,  xã Nguyệt Hóa,  huyện Châu Thành). Ao Bà Om còn được gọi là Ao Vuông vì ao có hình vuông, khuôn viên quanh ao có diện tích rộng 10 hecta, trong đó mặt ao hơn 4 hecta. Tùy theo mùa mà các loài hoa nước như bông súng, bông sen đua nhau bung nở khắp mặt ao, còn có hàng đàn vịt trời (le le) về đây tung tăng bơi lặn, tạo nên phong cảnh rất yên bình và thơ mộng. Bao bọc xung quanh  ao  là những gò cát chông chênh với gần 500 cây  sao, cây dầu hàng  trăm năm  tuổi, theo thời gian, cát giồng bị bào mòn,  rễ cây  trồi  lên mặt đất  thành những hình thù kỳ vĩ trông thật lạ mắt. Cạnh bờ ao là chùa Âng- ngôi chùa Khmer cổ kính thuộc  loại  bậc  nhất  vùng  Đồng  bằng sông Cửu Long mà đến  nay chưa có sử liệu nào ghi chép để biết được ao Bà Om có trước hay ngôi chùa Âng. Nhưng đó là những dấu tích xa xưa còn  ẩn mình qua  lớp bụi  thời gian mà  người  đời  sau  đã  đưa  ra  nhiều giả  thuyết  để  giải  thích  về  tên  gọi của địa danh này.


một góc ao Bà Om
Câu chuyện sau đây được nhiều người biết đến và được kể lại nhiều nhất  vì  rất  gần  gũi  với  người  dân đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là với người Khmer ở vùng đất này. Chuyện  kể  rằng,  ngày  xưa  ruộng rẫy  nơi  đây  khô  cằn,  cây  cỏ  vàng úa,  đời  sống  của  người  dân  vùng đất này rất vất vả. Một vị hoàng tử trấn nhậm trong vùng bèn qui tụ dân chúng  lại để đào ao  trữ nước ngọt. Ngày xưa, nam nữ muốn  lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ  lời trước  vì  phải  chịu  một  khoản  chi phí rất lớn cho việc mua sắm lễ vật và tổ chức đám cưới cho cả hai họ. Vị hoàng  tử đó nhân dịp này phân xử  việc  này  bằng  cách  chia  ra  2 bên  nam,  nữ  tổ  chức một  cuộc  thi đào ao. Qui ước rằng, trong vòng 1 đêm,  công việc đào bắt đầu  từ  lúc trời  tối và khi nào  sao Mai mọc ở hướng Đông  thì  kết  thúc,  nếu  bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và  sâu  hơn  thì  bên  đó  thắng  cuộc, bên  thua cuộc phải đi hỏi cưới bên thắng  cuộc.  Trời  vừa  tắt  nắng  hai bắt đầu cuộc thi. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây gần đó còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy. Biết sức phụ nữ không thể kình lại với sức đàn ông nên bà đã dùng kế. Họ vừa đào vừa ca múa, lại bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho quý ông để họ lơ là công việc. Riêng ở bên nam ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê xem ca hát và uống  rượu, đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, bà Om cho treo  ngọn  đèn  trên  cây  thật  cao  ở hướng Đông. Theo giao hẹn khi sao Mai mọc  là phải ngừng công việc. Khi bên các ông  thấy ngọn đèn cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về nghỉ. Trong khi đó bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành  tốt  công  việc  của mình  cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về. Bên nam  thua cuộc  trong sự “Tâm phục, khẩu phục”. Kết quả  là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, để nhớ ơn người phụ nữ thông minh người ta lấy tên của bà đặt tên ao. Ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Còn cái  ao  tròn mà  phái  nam  đào  hiện nay không còn dấu  tích. Và  truyền thống nam đi cưới nữ , con phải lấy họ mẹ  trong  dân  tộc  Khmer  cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này khi người Pháp  cai  trị  nước  ta  thì  con mới lấy theo họ cha.


Là nơi lý tưởng cho những cặp uyên ương chụp ảnh cưới
Cũng giải thích cho tên gọi ao Bà Om  còn  có một  câu  chuyện  khác: Xưa kia có một vị Hoàng tử rất độc ác trấn nhậm vùng đất Trà Vinh, ông bắt  dân  chúng  phải  dâng  gái  đẹp cho ông  ta,  ai bất  tuân  sẽ bị  trừng trị nặng. Vị  hoàng tử này buộc phụ nữ phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một  hôm,  có một  cô  gái  xinh  đẹp đến gặp hoàng tử để bày tỏ sự phản đối về tập tục bất hợp lý này. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử muốn làm vừa lòng người đẹp, vừa muốn xóa bỏ tập  tục mình đặt  ra bằng cách cho mở một cuộc thi đào ao. Sau đó mọi chuyện diễn ra như chuyện kể trên.




Còn có một  truyền  thuyết khác, ngày xưa có một hoàng tử trấn nhậm vùng đất này. Hoàng  tử đóng quân ở   Sóc Thác cách Ao Bà Om ngày nay  chừng  2  Km,  còn  công  chúa thì chọn khoảng đất gần chùa Âng ngày nay để dừng chân. Do không tìm được người con gái nào vừa ý để cưới, hoàng tử đã sang hỏi cưới em  gái mình  nên  bị  công  chúa  cự tuyệt  vì  trái  với  luân  thường  đạo lý. Để đối phó,  công  chúa  sai  lính đào hào, đắp lũy để ngăn cản hoàng tử. Nàng cũng cho đào ao lấy nước ngọt  dùng  trong  dinh  và  giao  cho tứ nữ cận  thần  là bà  Inh, bà Sung, bà Son và do bà Om chỉ huy công việc đào ao và canh gác khi ao hoàn thành. Sau đó dân chúng trong vùng lui tới lấy nước dùng và gọi ao ấy là ao Bà Om.




Về cách gọi tên ao mang yếu tố ngữ âm có giai thoại cho rằng, trước đây khu vực ao này mọc  rất nhiều rau ngò om- một thứ rau gia vị dùng để  nấu  canh  chua.  Người  dân  địa phương  thường  gọi  là  rau Mà Om nên  đặt  tên  cho  ao  là  ao Mà Om, sau này gọi  ra thành ao Bà Om. Có người còn cho rằng chữ Bà Om do từ Angkorajaborey (chùa Âng) đọc chệch  thành Bà-om  do  ao Bà Om nằm rất gần với chùa Âng.



Theo các  nhà Sử học và nghiên cứu Văn hóa dân gian thì có khoảng 10 dị bản để giải thích địa danh Ao Bà  Om  gồm  đủ  các  thể  loại  của chuyện kể dân gian như: chuyện cổ tích,  chuyện  dã  sử,  truyền  thuyết, giai  thoại… Có  thể nói đây  là một trường  hợp  có  nhiều  giả  thuyết nhất  về  tên  gọi  địa  danh  ở  Đồng bằng  sông  Cửu  Long. Xét  về mặt nội dung hầu hết các chuyện xung quanh 3 chủ đề chính: Giải thích tên gọi Ao Bà Om,  lý  giải  người  nam đi  cưới  người  nữ  và  tại  sao  người Khmer  có  tục  lệ  theo  họ mẹ? Các chuyện kể đều  là  sản phẩm của  trí tưởng tượng mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở Nam bộ.Ao  Bà  Om  và  chùa  Âng  được Bộ Văn  hóa-Thông  tin  công  nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia  thuộc  loại hình danh  lam  thắng cảnh  vào  ngày  10-7-1994.  Nằm trong quần thể chùa  Âng, Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, Ao Bà Om  là nơi  thu hút hàng  trăm ngàn du khách đến  tham quan, cắm  trại, vui xuân, nhất là vào các dịp lễ, tết hàng năm của người Khơmer:   Tết Chol  chnam  thmây  (năm mới), Lễ hội Sen Đôn ta mà đặc biệt là lễ hội Ook Om Bok (cúng trăng),   Ao Bà Om  trở  thành  nơi  sinh  hoạt  cộng đồng náo nhiệt của cả vùng,  không chỉ người Khơmer ở Trà Vinh mà cả người Kinh,  người Hoa ở  các  tỉnh lân cận cũng về đây chung vui. Họ cùng  nhau  nhảy múa,  xem  hát  dù kê, thả đèn gió…thắt chặt thêm tình đoàn kết, hòa hợp các dân  tộc anh em ở vùng sông nước Cửu Long.Hàng đàn vịt trời về đây trú ngụ


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons